Theo thông cáo báo chí của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) Việt Nam, chủng virus tái tổ hợp trên gà và ngan này được phát hiệnthông qua giám sát chủ động tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên vẫn xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm tại một số địa phương. Giám sát chủ động trên toàn quốc cho thấy có sự lưu hành của virus cúm gia cầm độc lực cao A(H5) trong những năm gần đây.
Kết quả phân tích giải trình tự gen chuyên sâu các chủng virus cúm gia cầm A(H5N1) được lấy mẫu từ các chợ buôn bán gia cầm sống và ổ dịch trong hai năm 2022 và 2023 cho thấy virus cúm gia cầm A(H5N1) thuộc hai nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b tiếp tục lưu hành tại Việt Nam.
Nhánh virus 2.3.2.1c chủ yếu lưu hành ở miền Nam Việt Nam, trong khi đó, nhánh virus 2.3.4.4b được tìm thấy tại các địa phương khác nhau trên toàn quốc.
Trong số đó, đã phát hiện 2 virus cúm gia cầm A(H5N1) tái tổ hợp gen giữa các nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b. Các mẫu này thu thập năm 2023 thông qua giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm thuộc phía Nam tuy nhiên không phát hiện đột biết ở vị trí gen PB2-E627K.
Virus cúm A(H5N1) nhánh 2.3.4.4b đã lan rộng trên toàn thế giới kể từ năm 2021. Các loại virus cúm gia cầm A(H5) như H5N2, H5N4, H5N5, H5N6 và H5N8 đều được phát hiện lẻ tẻ ở gia cầm hoặc chim hoang dã.
Ở châu Á, một số nhánh virus cúm gia cầm A(H5N1) bao gồm 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các nhánh khác, có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của virus với các đặc điểm mới.
Chủng virus cúm gia cầm A(H5N1) mới đã được phát hiện trên khắp Tiểu vùng sông Mê Kông, gây bệnh trên cả người và gia cầm kể từ giữa năm 2022. Đặc biệt virus này đã gây bệnh cho người ở Campuchia trong các tháng đầu năm nay.
Virus này chứa các protein bề mặt từ nhánh 2.3.2.1c đang lưu hành ở khu vực này, nhưng các gen nội khác của virus lại bắt nguồn từ một nhánh virus xuất hiện thời gian vừa qua là 2.3.4.4b.
Việc phát sinh và lây lan virus cúm gia cầm A(H5N1) tái tổ hợp này vào Tiểu vùng sông Mê Kông đã gây ra rủi ro đáng kể đối với động vật và con người. Hơn nữa, việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của virus trên người mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.
Đề cao cảnh giác với chủng cúm độc lực cao
Cục Thú Y Việt Nam và FAO kêu gọi cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1).
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao loại A (H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong.
Trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H5) trên người gần đây nhất được báo cáo vào tháng 10/2022 tại Phú Thọ và một trường hợp tử vong khác do cúm gia cầm A(H5N1) được báo cáo vào tháng 3 tại Khánh Hòa.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người. Virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người mắc bệnh thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%).
Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:From: web game casino
– Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
– Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
– Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
– Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
– Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.